Vấn đề học hành ngày nay, phần nhiều người ta chỉ lo nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức, nhắm vào bằng cấp, vào chức vụ và thành thục chuyên môn, chứ không nhằm vào con người. Tiếc thay mảnh bằng không phải là con người, và con người không phải là mảnh bằng. Sự nhập nhằng này khiến người ta ảo tưởng về mình, tạo nên biết bao sai lầm và tai hại. Khi việc giáo dục xa rời với trọng tâm là con người thì không còn là giáo dục nữa, không còn tạo nên “người thật” nữa, mà là bào chế ra những “người máy”, để càng ngày càng đạt mục tiêu cao hơn về chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.
Mọi sự tốt đẹp đều triển nở từ đời sống tinh thần. Khi tinh thần đã trở nên nô lệ cho vật chất thì con người bị tha hóa. Mọi sự bắt đầu từ bên trong, khi bên trong bị manh động thì mọi cái bên ngoài trở nên hỗn loạn. Cuộc sống con người cao đẹp từ chính đời sống tinh thần của họ, nghĩa là trong chính tâm thế và phẩm cách của họ. Giá trị của một con người được xác định chính yếu từ đó. Mọi cái khác như tài năng, chức vụ, chuyên môn, thế giá xã hội chỉ là phụ thuộc.
Lịch sử cho thấy thế giới đầy những con người tài trí, nhưng tài trí ấy không nằm trong những tâm hồn cao đẹp thì sẽ phát sinh những Hitler của thời đại mới. Bởi vậy, giáo dục quan trọng nhất vẫn là nhằm đào luyện tâm hồn con người, là khơi lên chân lý của sự sống đích thật đang tiềm ẩn nơi họ. Trong ý nghĩa đó Galileo đã phát biểu mạnh mẽ rằng: “Anh không thể dạy một ai cái gì cả, anh chỉ có thể giúp họ tìm thấy điều ấy ở trong họ mà thôi”.
Sự góp phần lớn lao nhất cho đời sống nhân loại không phải là những công trình thế kỷ được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, hay những phát minh khoa học lớn lao, mà chủ yếu là từ một đời sống thiện hảo của một con người. Những công trình tiến bộ đều có hai mặt của nó, có nhiều khi mặt tiêu cực và tính hủy diệt còn nhiều hơn bội phần về mặt tích cực và xây dựng. Không thể căn cứ vào đó mà xác định về sự văn minh tiến bộ đích thực. Tiến bộ rất cần thiết cho đời sống con người, nhưng phải được làm nên từ những con người thiện hảo. Phải là những con người thiện hảo mới thực sự đem lại lợi ích chân chính, bình an và hạnh phúc cho nhân loại.
Muốn thế, phải có sự góp phần lớn lao từ các tôn giáo. Xã hội nào thiếu sự hoạt động của các tôn giáo trong ngành giáo dục, thì khó lòng nói tới đạo đức và lành mạnh xã hội, và dễ gây suy thoái về phẩm chất đời sống làm người. Chỉ có tôn giáo mới giúp con người hướng thiện, hướng thượng, nhận ra cội nguồn vĩnh hằng để sống đúng căn tính của mình. Nhờ tôn giáo mà con người tìm ra đường ngay nẻo chính, tìm ra chân lý của lẽ sống làm người trong mối tương quan hợp nhất Thiên – Địa – Nhân.
Một con người mà không biết từ đâu mình đến, sinh ra để làm gì, đi về đâu, thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? Không tìm ra ý nghĩa và mục đích sau cùng của cuộc đời mình thì sự hiện hữu của mình còn có giá trị gì? Rèn luyện bản thân, sống ngay chính, dấn thân phục vụ, góp phần xây dựng xã hội, v.v..., có khi phải hy sinh chính bản thân mình để bảo vệ quê hương dân tộc, để rồi chẳng còn gì nữa sao? Hay chỉ còn lại tấm bia đá “nhớ ơn”, còn bản thân mình thì đi vào hư vô, chẳng còn hy vọng gì khác? Việc giáo dục không cần tôn giáo sẽ đưa con người tới đâu? Hay chỉ còn là vong thân, với cuộc đời đáng nôn mửa?
Đang khi đó, trải qua từ bao đời, triết lý sống của truyền thống dân tộc Việt Nam là một triết lý thấm nhuần tôn giáo và tín ngưỡng. Tinh thần tôn giáo đó không những nằm ngay trong bản sắc dân tộc, trong truyền thống văn hóa, trong việc giáo dục từ trong gia đình đến học đường, mà nằm ngay trong những phong tục tập quán và mọi sinh hoạt hằng ngày. Cũng từ đó toát lên cái nét đẹp tinh thần rất hài hòa, sinh động và thiêng liêng của người Việt.