top of page

Phát triển kỹ năng " Tự Học " cho học sinh phổ thông.

Tự học là một xu thế tất yếu, bởi vì quá trình giáo dục thực chất là quá trình biến người học từ khách thể giáo dục thành chủ thể giáo dục (tự giáo dục). Tự học giúp nâng cao kết quả học tập của học sinh (HS) và chất lượng giáo dục của nhà trường, là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông.

1 .Các kỹ năng cơ bản của hoạt động tự học

Kỹ năng tự học là khả năng thực hiện một hệ thống các thao tác tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động tự học trên cơ sở vận dụng các kinh nghiệm có liên quan đến hoạt động đó. Có bao nhiêu loại hình học tập thì có bấy nhiêu loại hình kỹ năng chuyên biệt. Các nhà nghiên cứu đã phân chia các kỹ năng tự học theo nhiều cách khác nhau. Theo nhóm nghiên cứu ở Khoa Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, kỹ năng tự học có thể được phân thành 4 nhóm, đó là nhóm kỹ năng định hướng, nhóm kỹ năng thiết kế (lập kế hoạch), nhóm kỹ năng thực hiện kế hoạch và nhóm kỹ năng kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm . Tác giả Vũ Trọng Rỹ thì cho rằng kỹ năng tự học của học sinh nói chung và sinh viên nói riêng gồm 4 nhóm: kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng tổ chức, kỹ năng kiểm tra đánh giá.

Tiếp thu những quan điểm trên, chúng tôi phân chia hoạt động tự học bao gồm các nhóm kỹ năng cơ bản sau:

Kỹ năng định hướng

Trước tiên, để quá trình tự học diễn ra thành công người học cần thiết lập cơ sở định hướng của hành động. Đó là hệ thống định hướng và chỉ dẫn mà chủ thể có thể sử dụng nó để thực hiện một hành động xác định nào đó. Nó có chức năng nhận thức đối tượng, vạch kế hoạch, kiểm tra và điều chỉnh hành động theo kế hoạch. Để có được cơ sở định hướng, người học phải trả lời được các câu hỏi:

- Học nhằm mục đích gì? Học vì yêu thích môn học, vì trách nhiệm với gia đình và xã hội, hay vì để được khen, được đánh giá cao…

- Thái độ học tập ra sao? Học với tinh thần, thái độ nghiêm túc hay hời hợt qua loa..

- Học như thế nào? Người học nên chọn phương pháp nào là phù hợp với bản thân.

Kỹ năng lập kế hoạch học tập

Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu người học xác định được mục tiêu, nội dung và phương pháp học. Muốn vậy, người học phải xây dựng được kế hoạch học tập. Trên cơ sở bộ khung đã được thiết lập đó, người học có thể tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức một cách dễ dàng. Trong quá trình lập kế hoạch người học phải chú ý một số điểm sau:

- Thứ nhất, người học phải xác định tính hướng đích của kế hoạch. Đó có thể là kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, thậm chí kế hoạch cho từng môn, từng phần. Kế hoạch phải được tạo lập thật rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

- Thứ hai, khi lập kế hoạch, người học phải chọn đúng trọng tâm, cần xác định được cái gì là quan trọng để ưu tiên tác động trực tiếp và dành thời gian công sức cho nó.

Kỹ năng thực hiện kế hoạch

Muốn thực hiện thành công kế hoạch mình đã tạo lập, người học cần có một số kỹ năng sau:

- Tiếp cận thông tin: lựa chọn và chủ động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và từ những hoạt động đã được xác định như đọc sách, nghe giảng, xem truyền hình, tra cứu từ Internet, làm thí nghiệm… Trong hoạt động này rất cần có sự tỉnh táo để chọn lọc thông tin một cách thông minh và linh hoạt.

- Xử lí thông tin: việc xử lí thông tin trong quá trình tự học không bao giờ diễn ra trong vô thức mà cần có sự gia công, xử lí mới có thể sử dụng được. Quá trình này có thể được tiến hành thông qua các kỹ năng ghi chép, phân tích, đánh giá, tóm lược, tổng hợp, so sánh…

- Vận dụng tri thức, thông tin: thể hiện qua việc vận dụng thông tin tri thức khoa học để giải quyết các vấn đề liên quan như thực hành bài tập, thảo luận, xử lí các tình huống, viết bài thu hoạch…

- Trao đổi, phổ biến thông tin: việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin tri thức thông qua các hình thức: thảo luận, thuyết trình, tranh luận… là công việc cuối cùng của quá trình tiếp nhận tri thức.

Kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm

Khi người học tự đánh giá được kết quả học tập của mình, người học sẽ tự đánh giá được năng lực học tập của bản thân, hiểu được cái gì mình làm được, cái gì mình chưa làm được để từ đó có hướng phát huy hoặc khắc phục. Để có kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá, học sinh cần:

- Tự trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa bằng cách xác định yêu cầu của câu hỏi, dự kiến câu trả lời, tái hiện các kiến thức liên quan, tập trình bày câu trả lời trước nhóm hoặc trước lớp để tìm ra chỗ sai từ đó khắc phục.

- Tự đặt câu hỏi để tự mình giải quyết hoặc thảo luận cùng bạn bè.

- Làm các bài tập của thầy cô giao cho, hoặc các bài tập bản thân tự tìm kiếm sau đó tự mình kiểm tra đáp án để rút kinh nghiệm…

Chúng tôi xin dẫn nguồn từ kết quả khảo sát [5] về hoạt động tự học của HS THPT tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi để nêu lên thực trạng về hoạt động tự học của HS.

Theo kết quả khảo sát, có 80,3% HS chọn hình thức học một mình, 31,8% HS chọn nhóm bạn để cùng học tập và chỉ có 7,9% HS chọn hình thức học với người thân.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, về kỹ năng tự học, có khoảng 28,1% - 58% HS còn lúng túng khi sử dụng các kỹ năng tự học. Mức độ sử dụng thành thạo các kỹ năng tự học của HS còn quá thấp (chỉ từ 6,1% - 14%).

Về ý kiến của GV đối với thời gian tự học của HS, có khoảng 35,7% - 39,9% ý kiến GVcho rằng HS chỉ tự học một ngày từ 1 giờ đến 2 giờ và có 6,9% - 13,7% ý kiến GVcho rằng HS tự học 3 giờ và trên 3 giờ mỗi ngày. Ý kiến của các HS về thời gian tự học cũng tương đối tương tự với các ý kiến của các GV về vấn đề này khi có 23,2% - 43,1% cho rằng các em chỉ tự học từ 1 giờ đến 2 giờ trong một ngày và có 9% - 15% HS cho biết đã tự học 3 giờ và trên 3 giờ mỗi ngày.

Qua kết quả khảo sát, có thể thấy rằng hoạt động tự học của HS vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Theo kết quả trên, tỉ lệ HS tự học từ 1 đến 2 giờ chiếm khá cao. Bên cạnh đó, nhiều HS vẫn còn lúng túng khi sử dụng các kỹ năng tự học. Nguyên nhân một phần là do các em chưa có ý thức tự giác trong quá trình học tập, một phần khác là do các em chưa được định hướng một cách cụ thể trong hoạt động tự học của bản thân. Do vậy, vai trò của người GV trong việc phát triển kỹ năng tự học của HS nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở trường phổ thông là hết sức quan trọng.

  1. Những việc GV cần làm để phát triển kỹ năng tự học cho HS

Thứ nhất, muốn học sinh có ý thức tự học thì trước hết học sinh phải yêu thích môn học đó. Vì vậy GV cần tạo cho HS niềm say mê môn học. GV có thể dùng tiết dạy để giới thiệu về môn học, về những giá trị của môn học trong thực tiễn bằng những ví dụ minh họa cụ thể nhằm kích thích động cơ học tập ở các em. Ví dụ ở môn Vật lý, GV có thể làm được điều này thông qua cách đặt vấn đề bằng những câu chuyện hay đơn giản chỉ là những câu hỏi thú vị như: “Tại sao nước làm tắt lửa?”. Câu hỏi vừa đặt ra tưởng chừng rất đơn giản nhưng để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi HS cần phải kiến thức vật lý về nhiệt học. Hay như câu hỏi: “Băng phẳng và băng mấp mô, thứ nào trơn hơn?”. Trên thực tế, [h1] đa số HS khi được hỏi thường trả lời là băng phẳng trơn hơn, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Đó chính là điểm hấp dẫn, thú vị khi GV đưa ra câu trả lời và giải thích.

Thứ hai, GV cần hướng dẫn cho HS cách xây dựng kế hoạch học tập từ ban đầu. Ngay từ tiết học đầu tiên của môn học, GV không cần phải dạy ngay mà cần giới thiệu sơ lược về chương trình, nội dung và phương pháp học một cách khái quát nhất để HS hiểu và từ đó, tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập phù hợp. GV phải làm cho HS hiểu rõ: mọi kế hoạch phải được xây dựng dựa trên mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể và HS hoàn toàn có thể phấn đấu thực hiện được từng mục tiêu nếu có kế hoạch thời gian được xây dựng chi tiết. Chẳng hạn, trong quá trình giảng dạy mỗi chương, GV sẽ cung cấp nội dung và thời gian học và kiểm tra để HS nắm rõ. Đồng thời, GV có thể cho HS đánh dấu vào trong sách bài nào học ngày nào, đến tiết nào sẽ kiểm tra. Muốn HS tự xây dựng kế hoạch học tập thì GV phải là người cung cấp đầy đủ kế hoạch dạy và học của bộ môn.

Thứ ba, GV hướng dẫn cho HS cách tìm và đọc sách hoặc tài liệu liên quan đến môn học. GV cần nhấn mạnh cho HS thấy rằng, kiến thức môn học không chỉ gói gọn trong nội dung SGK, trong bài giảng của GV mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, GV cần giới thiệu cho HS những cuốn sách hay, những tài liệu bổ ích liên quan đến môn học và khuyến khích các em tự tìm kiếm, tự phân tích và tổng hợp kiến thức. GV cũng có thể giới thiệu địa chỉ một số trang web chuyên ngành, hoặc các trang diễn đàn trao đổi kinh nghiệm học tập để HS tham khảo thêm.

Thứ tư, GV nên dạy cho HS cách ghi chép và nghe giảng vì đây là những kỹ năng học tập vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của HS. Trình độ nghe và ghi chép của người học ở mỗi môn học khác nhau là khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng môn học và phương pháp giảng dạy của từng giáo viên. HS thường mang lối học thụ động, quen tách việc nghe và ghi chép ra khỏi nhau, thậm chí nhiều HS chỉ chờ GV đọc mới có thể ghi chép được nội dung bài học, nếu ngược lại thì bỏ trống vở. Điều này khiến HS có tâm lí ức chế, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận kiến thức.Để khắc phục vấn đề này này, GV nên xây dựng bộ giáo trình mẫu, bên cạnh nội dung của bài học có chừa khoảng trắng cho HS ghi chép những vấn đề mà GV mở rộng. Đối với các vấn đề mà HS còn chưa rõ, có thể đánh dấu để hỏi lại GV hoặc tìm hiểu thêm. GV phải rèn luyện cho HS cách ghi chép nhanh bằng các hình thức gạch chân, tóm lược bằng sơ đồ hình vẽ những ý chính. Đối với các vấn đề quan trọng, GV cần nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần để HS tiếp thu dễ dàng hơn.

Thứ năm, GV hướng dẫn cách học bài. GV nên giới thiệu và hướng dẫn cho HS tự học theo mô hình các nấc thang nhận thức của Benjamin S.Bloom. Theo cách phân chia trong thang nhận thức của Bloom, HS có thể học cách phân tích, tổng hợp, vận dụng tri thức vào từng tình huống thực tiễn, học cách nhận xét, đánh giá, so sánh đối chiếu các kiến thức khác… Cách tự học theo mô hình các nấc thang nhận thức của Bloom sẽ giúp cho HS có thể học được cách rèn luyện được năng lực tư duy logic, tư duy trừu tượng và phát triển tư duy sáng tạo trong việc tìm ra những hướng tiếp cận mới đối với các vấn đề khoa học.

Thứ sáu, GV cần giao nhiệm vụ cụ thể cho HS ở tiết học tiếp theo. Để phát huy tối đa năng lực tự học và thúc đẩy HS tận dụng hết thời gian tự học, GV cần giao nhiệm vụ cụ thể cho HS. Có như thế, các em mới định hướng được cụ thể các nhiệm vụ mình cần làm tiếp theo. Sau khi đã tiếp nhận được kiến thức cũ, các em có thể tìm hiểu kiến thức mới. Khi có sự chuẩn bị trước ở nhà, việc học trên lớp sẽ trở nên có hiệu quả hơn rất nhiều.

Vấn đề tự học ở HS là một vấn đề không hề đơn giản. Muốn hoạt động học tập đạt kết quả cao, đòi hỏi HS phải tự giác, không ngừng tìm tòi học hỏi. Ngoài ra, sự định hướng của người thầy đóng vai trò quyết định thúc đẩy sự thành công trong việc chiếm lĩnh tri thức của người học.

Nguồn :http://www.ier.edu.vn/content/view/644/160/.

RECENT POSTS:
SEARCH BY TAGS:
No tags yet.
bottom of page