top of page

Xu Thế Giáo Dục.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp” - Nghị quyết 29-NQ/TW. Mô hình nào cho giáo dục Việt Nam là nỗi niềm của không biết bao nhiêu bàn thảo tâm huyết về khủng hoảng giáo dục và cải cách giáo dục kéo dài nhiều năm qua và càng ngày càng nặng nề hơn. Giáo dục thế giới đã dịch chuyển từ thông minh logic lên thông minh cảm xúc, trong khi học sinh nước ta vẫn còng lưng với “ba lô hàn lâm”. Cần dịch chuyển từ giáo dục nhồi nhét kiến thức lên mô hình giáo dục toàn năng - Ngôi sao ABCDE: Academic (Hàn lâm), Business (Kinh doanh), Creative (Sáng tạo), Desgin (Thiết kế), Emotion (Cảm xúc)

“Học, học nữa, học mãi”. Tại sao dân Việt được mệnh danh là hiếu học mà chưa giàu lên được? Rõ ràng, học chăm chưa đủ mà quan trọng là biết học cái gì và học như thế nào. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng bàn về học cái gì. Xu thế phát triển giáo dục thế giới có thể chia làm 5 bậc:

A-School (Academic – hàn lâm):

Giáo dục hàn lâm là khởi điểm của giáo dục. Phương pháp chính được áp dụng là phấn trắng, bảng đen và đọc – chép. Học sinh thụ động ngồi đọc, chép và học thuộc. Các môn học chủ yếu mang tính hàn lâm: toán, lý, hóa, văn, sử, địa. Nền giáo dục A – School xem trọng việc đánh giá chất lượng đào tạo qua kiểm tra, thi viết để lấy bằng. Thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 chỉ cần có bằng cấp là có thể làm quan. Thật sai lầm là ở thế kỷ 21- thời đại @, kiểu học này vẫn là chủ đạo ở nước ta. Trong thời đại @, chỉ cần bạn biết đặt câu hỏi, “giáo sư Google” luôn trường trực 24/24 trong chiếc điện thoại di động bỏ túi nhanh chóng cung cấp cả triệu đáp án cho mỗi câu hỏi.

“Lãnh đạo giỏi là hỏi hay, làm thuê hay là trả lời giỏi”. Giáo dục Việt Nam chỉ dạy - trả lời - làm thuê.

Chỉ cần vài click chuột hay vài cái vuốt màn hình ta có mọi kiến thức cần thiết một cách chi tiết. Không những thế còn được minh họa bằng âm thanh và hình ảnh sinh động, luôn được cập nhật từng giây."Học sinh không phải là một thùng chứa cần phải lấp đầy mà là một ngọn đuốc cần bạn thắp sáng" - Albert Einstein.Giáo dục của chúng ta đang biến học sinh thành một thẻ nhớ tồi.

B – School (Business - kinh doanh):

“Phi thương bất phú”. Thế giới đã chuyển sang kinh tế thị trường từ lâu lẳm rồi. Quân sự đang dần nhường chỗ cho kinh tế. Kinh tế là yếu tố quyết định sức mạnh của một cường quốc. Giáo dục trên thế giới cuối thế kỷ 20 đã dịch chuyển trọng tâm từ A-school sang B-school (B: Business –Trường đào tạo kinh doanh).

Ở Mỹ, mỗi tháng có 500.000 doanh nghiệp mới được thành lập, đất nước ta sau hơn 20 năm đổi mới, hiện cũng chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Chúng ta có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Hàng triệu người học trái ngành trái nghề. Nhiều người đậu thạc sĩ cũng phải giấu bằng để xin làm công nhân lương cao ở các khu công nghiệp. Thực sự đây là một lãng phí quá lớn.Cả đất nước Israel là một Quốc gia Khởi nghiệp, hầu như mỗi công ty, mỗi trường đại học đều có vườn ươm khởi nghiệp. Ở Tel Aviv có hẳn một Phố Khởi nghiệp.

Các nước trên thế giới: Australia, Canada, Hong Kong, India, Nigeria, Nepal, Ireland, New Zealand, Pakistan, SouthAfrica, SriLanka, Zimbabwe, Argentina, Sweden, Tanzania, Malaysia, Zambia United Kingdom… đã đưa giáo dục kinh hoanh vào trường phổ thông trung học (11-16 tuổi) chứ không phải chờ đến đại học. Học sinh được đào tạo từng phần của kế toán, tài chính, marketing, hành vi tổ chức, kinh tế…

Phải xây dựng văn hóa khởi nghiệp làm giàu – tạo dựng quốc gia khởi nghiệp thì mới có “Dân giàu nước mạnh, Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngay từ nhỏ, giáo dục phải đưa các trò chơi kinh doanh vào lớp học.

C – School (Creative - sáng tạo):

Nếu trước kia “trăm người bán, vạn người mua” thì nay “vạn người bán, vài người mua”. Chưa bao giờ sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt như hiện nay. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến những bước đột phá của công nghệ cao. Những sản phẩm gần như không tưởng đã được tạo ra: Máy bay tàng hình, tàu ngầm tàng hình, Robot thông minh,... Nó là một bước tiến, đánh dấu sự chuyển dịch từ cạnh tranh bằng sản phẩm thông thường sang cạnh tranh bằng sáng tạo. Những doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành công nghiệp đều là những doanh nghiệp có sức sáng tạo mạnh nhất. Trong nền kinh tế trí thức thời đại @, một phần đầu tư đáng kể của các doanh nghiệp lớn dành cho nghiên cứu phát triển - R&D, cái mà hầu như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu.

“Trí tưởng tượng chinh phục cả thế giới” - (Napoleon Bonaparte). Albert Einsten nói “Trí trưởng tượng mạnh hơn tri thức”. Khoa học đã chứng minh rằng khả năng tưởng tượng sáng tạo là năng lực mạnh mẽ nhất chỉ có ở con người. Con người có thể bay trên không trung, đặt chân lên mặt trăng, lặn sâu xuống đáy biển và biến vô số những điều mà đại đa số những thế hệ trước đó cho là hoang tưởng thì nay đã trở thành hiện thực, tất cả đều nhờ tưởng tượng sáng tạo.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Các nước giàu như Nhật, Hàn Quốc, Singapore đều chủ yếu dựa vào kinh tế tri thức, vốn con người, vào sức sáng tạo. “Logic đưa bạn đi từ A đến B, còn trí tưởng tượng đưa bạn đi đến bất kỳ đâu” (Albert Einsten). Giáo dục phải dịch chuyển từ thống kê, thuộc lòng lên tưởng tượng sáng tạo.Cần sớm đưa các công cụ sáng tạo tiên tiến trên thế giới vào trường học vừa phát triển tư duy sáng tạo và áp dụng ngay làm công cụ nâng cao hiệu quả học tập. Đó là, khởi tạo ý tưởng, sơ đồ tư duy, 6 mũ tư duy, tư duy đột phá, Triz….

D-School: (Design – Thiết kế):

Năm 2012,THE WALL STREET JOURNALđã tạo một cú sốc cho các nhà hoạch định chiến lược với bài “Forget B-School, D-School Is Hot” (Quên trường kinh doanh đi, Trường thiết kế mới hốt).

Nhà quản lý nổi tiếng Peter Senger nói “Vũ khí cạnh tranh mạnh nhất là học nhanh hơn đối thủ”. Câu nói nổi tiếng của Peter Senger chỉ còn là lịch sử của thế kỷ 20. Thế kỷ 21 phải dịch chuyển lên “Vũ khí cạnh tranh mạnh nhất là Thiết kế vượt trội hơn đối thủ”. Điển hình của cạnh tranh thiết kế là cuộc chạy đua giữa Iphone và Samsung.Tất cả các thủ đô tráng lệ trên thế giới đều nghiêng mình trước thiết kế kỳ vĩ của Dubai.

Nước ta nghèo một phần là do đâu đâu cũng có “Phố Hàng Đào”. Đường vừa làm xong lại đào lên để bổ sung ống nước, cáp quang, dây điện… Đâu đâu cũng “Qui hoạch treo”…“Chỉ có thiết kế mới mang lại một công trình đẹp và ít tốn kém”. Chưa nói đến làm giàu, để chống lãng phí phải có thiết kế tổng thể. Cải cách giáo dục cũng phải dịch chuyển từ thống kê, học thuộc lòng lên thiết kế, sáng tạo.

E – School (Emotion- cảm xúc):

Năm 1995, TS Havard Daniel Goleman xuất bản cuốn sách Emotional Intelligence (Thông minh cảm xúc) khiến cho cả thế giới ngỡ ngàng, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục phải giật mình. Ông khẳng định: IQ (thông minh logic) chỉ chiếm 20% sự thành công, EQ (Thông minh cảm xúc) - 80%.

Thật đáng tự hào, ở nước ta từ cách đây 200 năm, đại thi hàoNguyễn Du đã dạy “Chữ Tâm kia mới bằng 3 chữ Tài”. Từ xa xưa, ông cha ta luôn căn dặn “Có chí thì nên“, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Từ bao đời nay, câu cửa miệng của người Việt là “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hiền vẫn đề cao trên tài.

Hiện nay, ngoài cổng trường là khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, còn trong lớp thì điểm toán luôn được coi là tiêu chí hàng đầu, thậm chí có thời kỳ là duy nhất để đánh giá năng lực. Chúng ta học quá nhiều tích phân, vi phân, hàm phức, hàm ảo mà chả bao giờ dùng. Không biết từ sau khi làm bài kiểm tra đến bây giờ có ai khai căn và nộp cho cô giáo?!!!

Dù chúng ta có theo TS Havard hay phát huy truyền thống ông cha thì cảm xúc vẫn thống lĩnh năng lực con người. Dù chúng ta có làm gì đi nữa thì mọi thứ đều bắt đầu bằng cảm xúc và kết quả là tạo ra một cảm xúc mới. Biết bao tai họa trên thế gian này, từ là hai người đánh nhau gây án mạng đến hai quốc gia khai chiến cũng chỉ do không kiềm chế được cảm xúc.

Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại, nhưng, Thông minh + Ủ dột = Ăn hại.Khuyết tật về ý chí đang ngày càng lấn át khuyết tật thân thể. Tâm bệnh ngày càngnặng nề hơn thân bệnh. Bệnh trầm kha của giới trẻ hiện nay là thiếu ý chí, không làm chủ được cảm xúc. Đại dịch ủ dột và bàng quang đang ngày càng lan rộng.

Emotion = Energy for Motion (Cảm xúc thúc đẩy hành động).

Có một sự trùng lặp tuyệt diệu là bậc cao nhất của trường học E-Shool bắt đầu bằng chữ E, cũng chính là chữ bắt đầu của giáo dục (Education). Gốc của giáo dục là giáo dục cảm xúc.

Giáo dục tổng lực: A-B-C-D-E-School:

Trong cuốn “Một Tư Duy Hoàn Toàn Mới - Bán Cầu Não Phải Sẽ Thống Trị Tương Lai”, Tác giả Daniel H. Pink nhấn mạnh: “Kỷ nguyên mà não trái thắng thế và Thời đại thông tin do nó phát sinh ra đang dần được thay thế bởi một thế giới mới mà tại đó các phẩm chất của não phải như sáng tạo, cảm xúc, trực giác, sẽ nổi trội hơn.” Ông cho rằng thế giới cần theo đuổi triết lý suy nghĩ mới về “một nền kinh tế sáng tạo”.

“Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ, thì tương lai sẽ nã đại bác vào anh”. “Không thể chỉ nhìn vào gương chiếu hậu để đi về phía trước”. Một nền giáo dục hiệu quả là một nền giáo dục kết hợp hài hào giữa truyền thống và hiện đại. Mô hình giáo dục tổng hợp A-B-C-D-E-School giúp cho con người phát triển toàn năng, đáp ứng nhu cầu của thời đại.

“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” - Nghị quyết 29-NQ/TW.“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” - Hồ Chí Minh. Chắc chắnGiáo dục theo mô hình ngôi sao ABCDE sẽ giúp con em Việt Nam có thể trở thành những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời hội nhập toàn cầu.

TS Phan Quốc Việt,

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp VN.

Người sáng lập Tâm Việt Group

Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại

RECENT POSTS:
SEARCH BY TAGS:
No tags yet.
bottom of page